Giấy tờ vay tiền viết tay có giá trị không? Lấy xe siết nợ có được không?

Chào Luật sư. Tôi có cho bạn vay bằng giấy vay tiền viết tay 100 triệu và cam kết đến ngày 31/11/2020 sẽ trả hết nợ. Tuy nhiên đến nay tôi có gọi điện giục trả nợ nhiều lần mà không được. Vậy Luật sư cho tôi hỏi giấy vay tiền viết tay của tôi có giá trị pháp luật không. Nếu tôi đến nhà bạn tôi lấy xe máy siết nợ có được không?

Về câu hỏi của bạn, Luật sư có ý kiến tư vấn như sau:

I. Giấy vay tiền viết tay có giá trị không?

Vay mượn tài sản được coi là một dạng giao dịch dân sự. Theo quy định giao dịch dân sự được coi là hợp pháp khi có các điều kiện như sau:

Điều 117. Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự

1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;

b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;

c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

2. Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.

Giấy vay tiền được coi là một dạng Hợp đồng vay tài sản. Điều 463 Bộ luật dân sự 2015 quy định như sau

Điều 463. Hợp đồng vay tài sản

Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

Về hình thức giao dịch dân sự được quy định trong Điều 119 Bộ luật dân sự 2015 như sau:

Điều 119. Hình thức giao dịch dân sự

1. Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.

Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản.

Theo đó, hợp đồng vay tài sản có giá trị pháp luật nếu có nội dung không vi phạm pháp luật, người ký giấy tờ hoàn toàn tự nguyện và không bị hạn chế về nhận thức, hành vi,…mà không phụ thuộc vào hình thức của hợp đồng. 

Như vậy, giấy vay tiền viết tay của bạn vẫn được coi là có giá trị pháp luật theo quy định.

Đòi nợ giấy vay tiền viết tay hợp pháp thế nào?

II. Hành vi lấy xe siết nợ có hợp pháp không?

Bộ luật dân sự 2015 có quy định như sau:

Điều 194. Quyền định đoạt của chủ sở hữu

Chủ sở hữu có quyền bán, trao đổi, tặng cho, cho vay, để thừa kế, từ bỏ quyền sở hữu, tiêu dùng, tiêu hủy hoặc thực hiện các hình thức định đoạt khác phù hợp với quy định của pháp luật đối với tài sản.

Điều 195. Quyền định đoạt của người không phải là chủ sở hữu

Người không phải là chủ sở hữu tài sản chỉ có quyền định đoạt tài sản theo ủy quyền của chủ sở hữu hoặc theo quy định của luật.

Như vậy, nếu bạn lấy xe siết nợ cho giấy vay tiền viết tay mà không được chủ sở hữu của chiếc xe đồng ý là vi phạm quy định của pháp luật.

Tùy thuộc vào tính chất của hành vi lấy xe siết nợ mà sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật hình sự một trong các tội sau:

Điều 168: Tội cướp tài sản

1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

đ) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

g) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

5. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

6. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản

Điều 170. Tội cưỡng đoạt tài sản

1. Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản

Điều 171. Tội cướp giật tài sản

1. Người nào cướp giật tài sản của người khác, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

h) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng

Như vậy, hành vi lấy xe siết nợ nếu không được sự đồng ý của chủ sở hữu là trái quy định của pháp luật và tùy thuộc vào tính chất, mức độ của hành vi mà bị xử lý theo quy định của pháp luật hình sự.

III. Đòi nợ giấy vay tiền viết tay như thế nào?

Trong trường hợp bạn đã nhiều lần yêu cầu người vay tiền trả nợ nhưng không được, bạn có thể khởi kiện dân sự tại tòa án nhân dân huyện nơi người vay tiền đang cư trú để đòi nợ giấy vay tiền viết tay.

Hồ sơ khởi kiện đòi nợ giấy vay tiền viết tay như sau:

  • Đơn khởi kiện
  • Giấy vay tiền viết tay (Bản sao hoặc bản photo)
  • Giấy tờ chứng thực cá nhân, hộ khẩu của người khởi kiện
  • Giấy tờ chứng thực cá nhân, hộ khẩu của người bị kiện
  • Các giấy tờ chứng minh việc chuyển – nhận tiền giữa các bên.
  • Giấy thông tin khác mà hai bên đã trao đổi (Ví dụ: ghi âm, ghi hình, tin nhắn,…)

Thủ khởi kiện: Sau khi bạn nộp hồ sơ khởi kiện tại Tóa án nhân dân có thẩm quyền. Nếu hồ sơ đầy đủ, hợp pháp, bạn nộp tạm ứng án phí theo yêu cầu để được thụ lý vụ án và đưa vụ án ra xét xử.

Đòi lại tiền sau khi có bản án:

Sau khi có bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án, bạn làm hồ sơ yêu cầu thi hành án  đến Chi cục thi hành án ở địa phương để cưỡng chế thi hành án và lấy lại khoản nợ

Trên đây là ý kiến tư vấn của luật sư giải đáp thắc mắc của bạn về giấy vay tiền viết tay có giá trị pháp lý không? Lấy xe siết nợ có hợp pháp không và đòi nợ giấy tờ viết tay thế nào? Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ 0969.324.395 để được tư vấn chi tiết.